Thể loại

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Thăng hoa trong công việc - phần 1

Thăng hoa (flow) của nhà tâm lý học Mihaly là một trong những quyển sách khó đọc nhưng tuyệt vời. Tôi đã được đọc cách đây khá lâu, mùa covid-19 rảnh rỗi, đọc lại vẫn thấy hay. Hình như quyển sách quý này chưa được dịch ra tiếng Việt. Xin mạn phép dịch một số đoạn của quyển sách vì tôi tin rằng bất cứ người nào cũng có thể tự nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống.
*.*.*

Thăng hoa trong công việc

Giống như tất cả các loài động vật, con người chúng ta dành phần lớn thời gian để kiếm sống. Thức ăn cho cơ thể hoạt động không tự xuất hiện một cách kỳ diệu trên bàn. Nhà cửa và xe cộ không ngẫu nhiên mà có. Dù vậy không có một công thức chính xác để biết làm việc bao nhiêu lâu là đủ. Con người thời kỳ săn bắt hai lượm, giống như hậu duệ ngày nay còn sót lại của họ sống ở những nơi khắc nghiệt ở châu Phi và châu Úc, mất khoảng 3 đến 5 tiếng mỗi ngày dành cho ăn, mặc, ở, và chế tác công cụ. Những hoạt động mà ngày nay chúng ta gọi là làm việc. Họ dành phần còn lại của ngày để nói chuyện, nghỉ ngơi, hoặc nhảy múa. Ở thái cực ngược lại, công nhân trong thế kỷ 19 thường phải làm 12 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần trong các nhà máy bẩn thỉu hay các hầm mỏ tối tăm nguy hiểm.

Công việc không chỉ khác nhau về khối lượng mà cả về chất lượng. Như một câu ngạn ngữ cổ của Ý: "Công việc đem lại tiếng tăm và cũng có thể biến con người thành súc vật".  Đây có thể đơn giản chỉ là một câu nói đùa về bản chất của công việc. Nhưng nó cũng có thể hiểu rằng có những công việc đòi hỏi những kỹ năng phức tạp, với sự chủ động của người làm việc. Bên cạnh đó cũng có những công việc không cần nhiều kỹ năng và người lao động bị gò ép trong những khuôn khổ lạnh lùng cứng nhắc. Bác sỹ phẫu thuật thực hiện ca mổ trong bệnh viện hiện đại hay những cửu vạn mang vác hàng hoá trên những con đường lầy lội đều làm việc. Tuy vậy vị bác sỹ có cơ hội để học hỏi những điều mới lạ hàng ngày. Càng ngày vị bác sỹ càng phát triển, chủ động trong công việc, và làm được những kỹ thuật ngày càng khó. Ở phía bên kia, người cửu vạn phải lặp lại những di chuyển mệt nhọc và những gì anh ta học được là sự bất lực không thể thoát ra khỏi hoàn cảnh.

Công việc là một thứ rất phổ quát nhưng cụ thể lại có nhiều khác biệt. Do đó công việc ảnh hưởng rất lớn đến sự thoả mãn trong cuộc sống của mỗi người. Thomas Carlyle không nhầm khi nói rằng: "Một người thật sự may mắn khi có được công việc mà từ đó anh ta không muốn tìm kiếm bất cứ một công việc nào khác". Sigmund Freud tiếp tục ý này một cách mạnh mẽ hơn. Khi được hỏi về công thức để hạnh phúc. Ông trả lời một cách ngắn gọn: "Công việc và tình yêu". Đúng vậy, nếu một người có được sự thăng hoa trong công việc và trong quan hệ với những người xung quanh, chất lượng sống sẽ không ngừng được cải thiện. Trong chương này chúng ta sẽ khám phá phương cách để có được sự thăng hoa trong công việc. Chương tiếp theo sẽ đề cập đến vế còn lại: tận hưởng sự tương tác với những người xung quanh.

Những người lao động tự tại

Adam bị thượng đế phạt phải lao động khổ sai vì phạm giới, việc này được mô tả trong kinh Sáng Thế đoạn 3:17. Câu chuyện này nhìn chung đã phản ánh cách mà các nền văn hoá, đặc biệt là những nền văn hoá đã đạt đến trình độ "văn minh", nhìn nhận về lao động. Lao động là một lời nguyền cần phải tránh bằng mọi giá. Thật vậy, bởi vì sự vận hành không hiệu quả của vũ trụ, chúng ta phải mất rất nhiều năng lượng chỉ để đáp ứng những nhu cầu của mình. Nếu con người không để ý đến việc ăn ngon mặc đẹp, ở trong những ngôi nhà tiện nghi, và có được những đồ dùng công nghệ mới nhất thì gánh nặng phải lao động sẽ nhẹ bớt rất nhiều. Ta có thể thấy được điều này còn hiện hữu ở nhiều bộ tộc ngày nay như những người du mục trên sa mạc Kalahari.

Tuy nhiên chúng ta càng bỏ nhiều công sức để theo đuổi những những giấc mơ vật chất, giấc mơ đó ngày càng lớn, và nó càng trở nên xa vời. Như một vòng xoáy, chúng ta sẽ tiếp bỏ nhiều công sức trí não và chân tay của chính mình và cả tài nguyên của mẹ thiên nhiên chỉ để đáp ứng những kỳ vọng ngày càng tăng. Suốt phần lớn chiều dài lịch sử, đa số những người sống trong các nền văn minh đã phải dành cả đời mình chỉ để hiện thực hoá giấc mơ cho một vài người. Những kẻ biết cách khai thác đến cùng cực đồng loại. Những kỳ quan được tạo ra bởi những nền văn minh như kim tự tháp, vạn lý trường thành, đền Taj Mahal, hay những đền thờ cung điện nguy nga, đều được xây dựng bởi mồ hôi, nước mắt, máu và cả tính mạng của những lao động khổ sai. Những người bị ép buộc làm việc chỉ để phục vụ tham vọng cho kẻ cầm quyền. Thật không ngạc nhiên để thấy lao động không có được một danh tiếng tốt.

Với tất cả sự kính trọng dành cho Kinh thánh, lao động dường như không đơn giản chỉ là khổ ải. Lao động có thể mệt mỏi, chí ít là mệt mỏi hơn là không làm gì. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy lao động có thể đem lại sự thích thú. Thực vậy, lao động thường là phần thích thú nhất của cuộc sống.

Một vài nền văn hoá được phát triển theo một cách khiến các công việc thường nhật trở nên gần giống với các hoạt động tạo cảm giác thăng hoa. Có những cộng đồng mà ở đó công việc và cuộc sống gia đình phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng lại được gắn kết một cách hài hoà. Ở vùng núi Alps ở châu Âu vẫn có nhiều cộng đồng như vậy sống trong những ngôi làng năm ngoài sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp. Tò mò về những trải nghiệm về cuộc sống trong thời kỳ tiền công nghiệp, nhóm nghiên cứu tâm lý học của GS người Ý Fausto Masimini và TS Antonella Delle Fave gần đây đã phỏng vấn một số dân cư ở những làng trên. Những ghi chép sau đó đã được chia sẻ một cách hào phóng cho tác giả.

Một đặc điểm nổi bật được thấy ở những dân cư ở đây là họ không thể tách biệt được thời gian lao động và thời gian tuỳ thích. Có thể nói rằng họ làm việc 16 tiếng mỗi ngày nhưng cũng có thể nói rằng họ không bao giờ làm việc cả. Một trong những cư dân đó, cụ bà 76 tuổi Serafina Vinon sống ở một ngôi làng nhỏ tên là Pont Trentaz, khu vực Val d'Aosta của vùng Alps của Ý. Bà vẫn dậy 5 giờ sáng hàng ngày để vắt sữa bò. Sau đó, bà nấu một bữa sáng thịnh soạn, dọn dẹp nhà cửa. Tiếp đó tuỳ vào thời tiết, bà có thể mang đàn bò ra đồng cỏ ngay dưới chân núi, chăm sóc vườn cây, hay làm len lông cừu. Mùa hè, bà dành nhiều tuần để cắt cỏ trên trên sườn đồi, sau đó đội những bó to về kho dự trữ. Bà có thể chỉ mất nửa thời gian đi bộ về kho nếu chọn con đường ngắn, tuy nhiên bà thường chọn đường dài hơn chỉ giữ cho sườn đất đỡ sạt lở. Buổi tối, bà thường đọc sách, kể chuyện cho những đứa cháu, hoặc chơi đàn accordion cho bạn bè, những người thường tụ tập vài lần một tuần tại nhà bà.

Serafina quen từng gốc cây, từng tảng đá, và từng vách núi, như chúng là những người bạn thân thiết. Những câu chuyện của gia đình trải dài nhiều thế kỷ đều gắn liền với cảnh vật xung quanh. Ở chính cây cầu đá cũ này, khi đại dịch hạch năm 1473 gần đến hồi kết, người đàn bà sống sót cuối cùng của làng Serafina, với cây đèn dầu trên tay, đã gặp người đàn ông cuối cùng của làng bên. Họ vực nhau dậy, kết hôn và trở thành cụ tổ của gia đình Serafina. Đây là những bụi mâm xôi mà bà của Serafina đã lạc khi còn nhỏ. Ngay tại tảng đá này, một kẻ xấu đã dùng chiếc cào cỏ đe doạ ông bác Andrew trong trận bão tuyết năm 1924.

Khi được hỏi bà đã tận hưởng những gì nhất trong cuộc đời, Serafina không ngần ngại trả lời: vắt sữa, chăn bò ngoài đồng cỏ, cắt cành tỉa cây, và làm len lông cừu. Thực tế là bà tận hưởng tất cả mọi hoạt động trong quá trình bà lao động để sống. Như lời bà nói: "Nó đem lại cho tôi sự thoả mãn. Được ra ngoài, nói chuyện với mọi người, được giao tiếp với các con vật. Tôi nói chuyện với mọi thứ, những cái cây, những con chim, những bông hoa, và những con vật. Mọi thứ trong thiên nhiên đều là những người bạn. Tôi thấy thiên nhiên thay đổi mỗi ngày. Tôi cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc. Thật là tiếc khi tôi mệt và phải quay về nhà. Thậm chí khi tôi phải lao động rất nhiều nhưng đó là điều thật tuyệt vời."

Khi được hỏi bà sẽ làm gì nếu bà có tất cả thời gian và tiền bạc trên đời, Serafina cười và lặp lại danh sách các hoạt động: vắt sữa cho bò, đem bò ra ngoài đồng cỏ, làm vườn, và làm len lông cừu. Thật sai lầm khi cho rằng Serafina không biết đến những lựa chọn khác, kể cả đời sống thành thị. Thỉnh thoảng bà vẫn xem TV và đọc báo. Rất nhiều con cháu của bà sống ở thành phố lớn và có cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên đời sống hiện đại và thời thượng không thu hút Serafina. Bà hoàn toàn mãn nguyện với vai trò của mình trên thế gian.

Mười người già nhất của làng Pont Trentaz, có tuổi đời 66 đến 82, tham gia phỏng vấn. Tất cả đều có phản hồi giống như Serafina. Không ai trong số họ phân biệt rạch ròi giữa thời gian lao động và thời gian nghỉ dưỡng. Tất cả đều cho rằng lao động là cội nguồn của những trải nghiệm tối ưu, họ đều không muốn làm việc ít hơn.

Hầu hết những người con của họ, những người cũng tham gia phỏng vấn, cùng có một thái độ tương tự với cuộc sống. Tuy nhiên, những người cháu, tuổi đời từ 20 đến 33, có thái độ giống quan điểm thông thường hơn về lao động. Nếu có thể, họ sẽ làm việc ít hơn và dành nhiều thời gian hơn cho nghỉ dưỡng: đọc sách, thể thao, du lịch, và đi xem những buổi trình diễn. Một phần làm nên sự khác biệt này có thể là tuổi tác. Những người trẻ thường ít mãn nguyện với những gì họ có, mong muốn sự thay đổi, và không kiên nhẫn với những điều lặp lại. Tuy vậy trong trường hợp này, sự khác biệt cũng là dấu hiệu của việc mất dần lối sống truyền thống, ở đó lao động có sự khăng khít chặt chẽ với bản sắc và mục tiêu tối thượng của mỗi người.  Một vài người trẻ tuổi ở Pont Trentaz khi về già có thể sẽ có cảm nhận giống như Serafina, nhưng có lẽ hầu hết sẽ không như thế. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục nới rộng sự cách biệt giữa công việc (cần thiết nhưng khó chịu) và nghỉ dưỡng (thoải mái nhưng giản đơn).

Cuộc sống ở ngôi làng trên dãy Alps này chưa bao giờ là dễ dàng. Để tồn tại, mỗi người phải giải quyết một loạt các thách thức bằng các công việc đơn giản nhưng nặng nhọc, bằng các kỹ năng thủ công điêu luyện, và bằng cả việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá (ngôn ngữ, dân ca, đồ mỹ nghệ).  Bằng một cách nào đó văn hoá ở đây biến những công việc này thành những hoạt động đầy thích thú. Thay bởi vì cảm thấy bị ép buộc do phải làm những việc cần thiết, mọi người ở đây đều đồng ý với Giuliana B., cụ bà 74 tuổi: "Tôi hoàn toàn tự do, tôi tự do trong công việc bởi vì tôi làm những gì tôi muốn. Nếu tôi không làm hôm nay, tôi có thể để sang hôm sau. Tôi không có sếp. Tôi chính là sếp của chính cuộc đời tôi. Tôi giữ cho mình sự tự do và tôi chiến đấu để có nó."

Hiển nhiên không phải tất cả các văn hoá trước thời đại công nghiệp đều tạo ra cuộc sống yên vui như vậy. Trong rất nhiều xã hội săn bắt hoặc nông nghiệp, cuộc sống chịu nhiều khắc nghiệt, hung bạo, và rất ngắn. Thật vậy, một vài cộng đồng trên dãy Alps, không xa Pont Trentaz, bị bao trùm bởi đói rét, bệnh tật, và dốt nát. Điều này được mô tả bởi những người viếng thăm vào cuối thế kỷ 19. Để đạt đến một cách sống có khả năng cân bằng giữa những mục tiêu trần tục của con người và môi trường thiên nhiên là một thành tựu không hề nhỏ. Nó giống như xây một ngôi đền kỳ vỹ mà những kẻ viếng thăm phải cúi đầu kính phục. Theo cách phản chứng, chỉ với một biệt lệ ta cũng có thể bác bỏ quan niệm là lao động thì luôn kém thích thú hơn là hoạt động nghỉ dưỡng tuỳ thích.

Vậy những người lao động ở thành thị thì thế nào? Những người mà công việc không hoàn toàn hiển nhiên liên quan đến sự tồn tại của chính họ. Không làm công việc này thì có thể công việc khác, miễn là có thu nhập. Thái độ của Serafina với công việc không riêng chỉ có ở các làng quê nông nghiệp. Chúng ta thỉnh thoảng vẫn thấy đâu đó giữa xã hội công nghiệp bận rộn. Một ví dụ điển hình là Joe Kramer, người đàn ông mà chúng tôi đã phỏng vấn trong những nghiên cứu trước đây về cảm giác thăng hoa. Joe hơn 60 tuổi và là thợ hàn tại một nhà máy chế tạo toa xe lửa phía nam Chicago. Khoảng 200 người làm việc trong ba phân xưởng xám xịt và rộng lớn nơi những tấm thép nặng hàng tấn được cần cẩu di chuyển qua lại trong phân xưởng, được cắt và hàn để tạo ra toa xe.  Mùa hè phân xưởng nóng như lò nung, mùa đông gió rét thổi xuyên từ ngoài vào. Những tiếng động chát chúa và tia lửa hàn bắn tung toé là điều bình thường ở đây. Tiếng ồn to đến mức mọi người phải hét vào tai nhau khi nói chuyện.

Joe đến Mỹ khi còn là một đứa trẻ 5 tuổi và rời ghế nhà trường từ năm lớp bốn. Joe đã làm việc tại đây hơn 30 năm và chưa bao giờ muốn được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Ông đã từ chối nhiều lời đề nghị cất nhắc với lý do ông chỉ thích làm một người thợ hàn và không thấy thoải mái khi trở thành sếp của một ai đó. Mặc dù Joe ở hàng dưới cùng trong cơ cấu tổ chức của nhà máy, mọi người đều biết đến Joe và đồng ý rằng ông là người quan trọng nhất ở đây. Giám đốc nhà máy nói rắng nếu ông có thêm 5 người nữa như Joe, nhà máy này sẽ có năng suất cao nhất so với các nhà máy cùng lĩnh vực. Những người đồng nghiệp thì nói nếu thiếu Joe, họ có thể phải đóng cửa phân xưởng ngay lúc này.

Lý do để có được danh tiếng như vậy thật đơn giản: Joe thực tế đã nắm bắt được tất cả các công đoạn sản xuất trong nhà máy và ông có thể thay thế bất cứ công nhân nào nếu cần thiết. Hơn thế nữa ông có thể chữa được rất nhiều thiết bị, từ những cần cẩu to lớn đến những màn hình hiển thị điện tử tinh vi. Tuy vậy, cái làm mọi người ngạc nhiên không phải là Joe có thể làm được những việc này mà Joe làm chúng với sự thích thú khi được nhờ. Khi được hỏi tại sao ông có thể làm được những việc này mặc dù không qua đào tạo chính thức. Joe trả lời rất đơn giản. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Joe đã thích thú với đủ loại máy móc. Joe đặc biệt chú ý đến những những hỏng hóc: "Khi lò nướng bánh mỳ của mẹ tôi không làm việc, tôi tự hỏi: "Nếu tôi là cái lò, tôi không thể nóng, vậy có cái gì không bình thường ở đây?"" Sau đó cậu bé tháo cái lò ra, tìm thấy lỗi hỏng, và sửa nó. Từ đó trở đi Joe sử dụng cách tiếp cận chân phương của mình để học và sửa những hệ thống máy móc ngày càng phức tạp. Joe chưa bao giờ nguôi với sự thích thú của việc khám phá. Dù gần đến tuổi về hưu, Joe vẫn tận hưởng công việc mỗi ngày.

Joe không phải là một người nghiện công việc, phải lệ thuộc vào những thử thách trong công việc để cảm thấy giá trị về bản thân. Joe đã biến một công việc nặng nhọc và nhàm chán thành những hoạt động mang nhiều đặc tính giúp thăng hoa. Tuy vậy những điều Joe làm ở nhà còn đáng nói hơn. Joe và vợ sống trong ngôi nhà một tầng bình dị ở ngoại ô thành phố. Qua nhiều năm, Joe đã mua lại hai khoảnh đất ở hai bên ngôi nhà. Từ đó Joe đã làm một khu vườn với những tảng đá, lối đi, rất nhiều hoa và cây ăn quả. Trong lúc lắp đặt hệ thống phun nước tưới cây, Joe loé lên ý tưởng tạo ra cầu vồng nhân tạo. Joe tìm kiếm các đầu phun có thể phun ra bụi nước đủ nhỏ vừa ý mình nhưng không có. Ông đã tự thiết kế lấy đầu phun và chế tạo ngay tại xưởng nhỏ trong tầng hầm nhà mình. Từ đó sau mỗi ngày làm việc, Joe có thể thưởng thức cầu vồng được tạo ra bởi hàng chục đầu phun bụi nước chỉ bằng một nút nhấn.

Tuy nhiên có một vấn đề nhỏ với khu vườn Eden của ông. Joe đi làm cả ngày, đến lúc về thì mặt trời đã xế bóng để có thể tạo ra trên những bụi nước một cầu vồng sặc sỡ. Quay trở lại bàn thiết kế, Joe tìm ra một lời giải đặc sắc cho vấn đề của mình. Ông lùng tìm những chiếc đen pha chiếu sáng mà quang phổ gần giống ánh sáng mặt trời để có thể tạo ra cầu vồng đẹp mắt. Joe lắp đặt hệ thống đèn quanh vườn. Thế là giữa đêm tối, Joe có thể tạo ra quanh nhà mình một khung cảnh sặc sỡ đầy mầu sắc của nước và ánh sáng.

Joe là một ví dụ hiếm về cái gọi là nhân cách tự tại, một nhân cách có thể tìm thấy những trải nghiệm thăng hoa thậm chí trong những môi trường tưởng như tồi tệ: nơi làm việc ô nhiễm và bẩn thỉu, nơi sinh sống nhiều nghiện ngập. Trong toàn bộ nhà máy, dường như chỉ có Joe là nhìn thấy những cơ hội cho những hành động thử thách bản thân. Những người thợ hàn khác mà chúng tôi phỏng vấn đều cho rằng công việc đối với họ là một gánh nặng cần thoát ra càng nhanh càng tốt. Khi tan tầm, họ sẽ toả ra và tìm đến những quán rượu. Cứ vài góc phố lại có một quán trong khu phố hình bàn cờ xung quanh nhà máy. Ở đó họ sẽ quên đi sự mệt nhọc của một ngày bằng bia và chuyện phiếm. Sau đó về nhà tiếp tục với bia và TV, giao lưu chút xíu với vợ. Một ngày được kết thúc như bao ngày khác.

Cũng có thể tranh luận rằng đánh giá cao lối sống của Joe hơn lối sống của những người đồng nghiệp là thiên lệch. Cuối cùng thì việc những người đàn ông vui vẻ trong quán rượu và việc bỏ công sức cải tạo vườn tược thì việc nào hơn việc nào? Dựa theo thuyết tương đối văn hoá [đánh giá văn hoá của mỗi người phải dựa vào hệ quy chiếu của chính họ] thì những phản biện trên có vẻ hợp lý. Tuy nhiên khi chúng ta hiểu rằng mức độ tận hưởng phụ thuộc vào sự phức tạp của hành động, tranh luận dựa trên thuyết tương đối văn hoá trong trường hợp này là không hợp lý. Chất lượng sống của những người như Joe rõ ràng ở trình độ cao hơn và mức độ tận hưởng cao hơn là của những người không chịu nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh buồn bã của mình.

Quan điểm cho rằng nếu lao động được nhìn nhận như những hoạt động thăng hoa, thì đó là cách tốt nhất để khai phá hết tiềm năng con người. Điều này đã được nhắc đến nhiều trong tôn giáo và các hệ thống triết lý. Đối với những con chiên trong thời kỳ trung cổ, có thể nói rằng việc gọt vỏ khoai tây cũng quan trọng như việc xây dựng một nhà thờ đồ sộ nếu đó đều là những việc để lan toả ánh hào quang của Chúa. Với Karl Marx thì con người thể hiện sự tồn tại của họ qua lao động tạo ra của cải vật chất. Không có sự tồn tại nào, Marx khẳng định, ngoài sự tồn tại được thể hiện qua lao động. Lao động không chỉ cải tạo môi trường bằng cách xây dựng những cây cầu bắc qua sông hay khai hoang đất trồng mà còn biến đổi con người từ một động vật được dẫn dắt bởi bản năng trở thành con người có tri thức, có kỹ năng, và biết theo đuổi mục tiêu.

Một ví dụ thú vị về hiện tượng thăng hoa được đề cập bởi các triết gia thủa xưa là khái niệm Đạo của Trang Tử, một nhà Lão giáo. Đạo được hiểu là cách bước đi chuẩn mực trên một con đường. Đạo còn được dịch thành "du hành", "phiêu du", "bơi", "bay",  hay "trôi bồng bềnh". Trang Tử tin rằng Đạo chính là cách sống đúng đắn: không để ý đến sự ghi nhận từ bên ngoài, tự phát, với tất cả tâm huyết. Một cách ngắn gọn, đó là một trải nghiệm hoàn toàn tự tại.

Một ví dụ để làm sao đạt đến Đạo, hay làm sao để thăng hoa, mà Trang Tử nhắc đến trong Nam Hoa Kinh là về một người làm công. Người này là tên bếp Bào Đinh chuyên mổ bò cho vua Văn Huệ nước Nguỵ. Học trò ở Hồng Công và Đài Loan ngày nay vẫn phải học thuộc đoạn trích: "Tên bếp Bào Đinh mổ bò, mỗi cử động của tay hắn, mỗi nhấp nhô của đôi vai, mỗi nhún nhẩy của đầu gối, hắn lia lưỡi dao cắt xoẹt xoẹt, phát những âm thanh có tiết tấu y như khúc tang lâm và bản nhạc kinh thủ".

Vua Văn Huệ thích thú khi thấy mức độ phiêu bồng (hay thăng hoa, Đạo) mà người đầu bếp tìm thấy trong công việc của hắn. Vua khen tên bếp về kỹ thuật tuyệt vời của hắn. Tên bếp từ chối lời khen bởi vì đó không đơn giản chỉ là kỹ thuật: "Thần nhờ theo cái Đạo, nó vượt ra ngoài kỹ thuật." Sau đó hắn giải thích làm sao hắn đạt được đỉnh cao như vậy: do hiểu được cơ cấu thiên nhiên của con bò, điều đó giúp hắn lách lưỡi dao vào những chỗ kẽ trong thân thể bò. "Cảm quan ngưng lại, chỉ còn tâm thần là hoạt động."

Giải thích của tên bếp dường như ám chỉ rằng Đạo và thăng hoa là kết quả của những quá trình khác nhau. Một số nhà phề bình nhấn mạnh về sự khác biệt: thăng hoa là kết quả của sự cố gắng có ý thức còn Đạo đạt được khi không dùng ý thức. Ở khía cạnh này các nhà phê bình cho rằng thăng hoa là một cách tiếp cận của phương Tây trên con đường tìm kiếm trải nghiệm tối ưu. Theo họ thì cách này dựa trên việc thay đổi các điều kiện khách quan chẳng hạn như giải quyết vấn đề bằng các kỹ năng, trong khi Đạo là một cách tiếp cận của phương Đông. Đạo không chú trọng đến điều kiện khách quan mà tập trung vào sự hứng khởi trong tinh thần và sự siêu phàm.

Vậy tại sao một người có thể đạt được trải nghiệm siêu việt và sự hứng khởi trong tinh thần? Trong Nam Hoa Kinh, Trang tử có một số kiến giải cho câu hỏi này. Kiến giải này trái ngược với cách hiểu về Đạo của một số nhà phê bình đã nhắc ở trên. Nam Hoa Kinh có đoạn: "mỗi khi gặp những chỗ khó, gân xương sát nhau quá, thì thần phải nhìn kỹ, hành động thật chậm, con dao cử động một cách rất nhẹ nhàng, đến khi cả khối đứt lìa rơi xuống như bùn rơi xuống đất. Bấy giờ thần cầm dao, ngoảnh nhìn bốn phía, hoàn toàn đắc ý, chùi sạch con dao rồi đem cất nó đi."

Một số nhà nghiên cứu ban đầu cho rằng đoạn này nói về phương pháp của một người đồ tể bình thường và không phải là cách để đạt đến Đạo. Gần đây các nhà nghiên cứu như Watson và Graham tin rằng đấy chính là phương pháp làm việc phiêu bồng của người bếp Bào Đinh. Dựa trên những kiến thức về thăng hoa của mình, tôi tin rằng cách hiểu thứ hai là đúng. Nó chứng minh rằng sau khi đã thành thạo nhiều cấp độ về kỹ thuật, Đạo vẫn cần được duy trì bằng cách tiếp tục tìm ra các thử thách mới ("mỗi khi gặp những chỗ khó, gân xương sát nhau quá, thì thần phải nhìn kỹ") và sự phát triển tiếp tục của kỹ thuật ("thì thần phải nhìn kỹ, hành động thật chậm, con dao cử động một cách rất nhẹ nhàng").

Nói một cách khác, sự đắc Đạo không đến từ sự siêu phàm nào đó mà đơn giản là từ việc dần hướng sự tập trung vào hành động để giải quyết các bài toán đặt ra bởi môi trường xung quanh. Từ đó tiệm cận dần đến mức nghệ thuật và theo thời gian nó dường như lại được thấy xuất phát từ bên trong và có vẻ huyền diệu. Sự trình diễn của người nhạc công suất sắc hay của một nhà toán học tài năng cũng được thấy dường như là xuất phát từ bên trong. Nhưng thực tế trình độ đỉnh cao đó có được là qua cả một quá trình khổ luyện từ thấp đến cao. Nếu cách hiểu của tôi là đúng, thì Đạo của phương Đông và trải nghiệm thăng hoa của Phương Tây là một: trong cả hai nền văn hoá, sự phiêu bồng đều có nguồn cơn giống nhau. Người bếp của vua Văn Huệ là một ví dụ về việc tìm thấy sự thăng hoa ở những nơi dường như không thể, ở những công việc thấp kém nhất trong xã hội. Một điều thật đáng nể là từ 23 thế kỷ trước sự thăng hoa đã được đề cập đến một cách chi tiết.

Bà cụ nông dân ở dãy Alps, người thợ hàn ở Chicago, và người đầu bếp ở Trung Hoa cổ đại đều có một điểm chung: công việc của họ nặng nhọc và thấp kém, ở đó hầu hết mọi người đều chỉ thấy sự buồn chán, lặp lại, và vô nghĩa. Vậy mà ba người họ đã biến công việc họ phải làm thành những hoạt động có chiều sâu. Họ làm được thế bởi vì họ nhận ra những cơ hội dành cho hành động mà những người khác không nhận ra, từ đó phát triển kỹ năng bằng cách tập trung cao độ vào hành động trước mắt. Họ hoà mình vào công việc rồi sau đó lại thoát ra với bản ngã phát triển hơn. Công việc trở nên thích thú và đó là kết quả của việc chuyên tâm một cách cao độ. Dường như việc làm của họ là sự lựa chọn của chính họ chứ không phải do hoàn cảnh ép buộc.

*.*.*

Chú thích thêm của người dịch: Bất cứ việc to hay việc nhỏ nào đều có thể biến thành cơ hội để dẫn đến thăng hoa nếu ta biến đổi nó để có được 5 đặc tính sau: cần kỹ năng, có mục tiêu, đủ khó những không quá khó, tuân theo một luật lệ nhất định, có phản hồi. Ví dụ như việc nấu ăn nếu ta đặt mục tiêu như làm nhanh hơn một chút, làm gọn hơn một chút so với hôm qua, phá cách một chút những phải hiểu được nguyên tắc phối hợp nguyên liệu và phương pháp chế biến, tự nếm hay những lời khen chê của mọi người sẽ là những phản hồi giúp ta không ngừng trở thành một đầu bếp nghiệp dư giỏi. Hay như việc phải chép phạt, nếu bạn đặt mục tiêu về thời gian và nét chữ đẹp, một hình phạt khó chịu lại có thể biến thành một hoạt động mang nhiều khoái cảm.

Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét