Thể loại

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Thi Đại Học

Tuần này cháu mình thi đại học. Nhớ lại năm xưa cậu thi, nó còn chưa ra đời. Nhanh thật. Sau này mình có thể đã làm được nhiều việc khó hơn thi đại học gấp bội, nhưng tương quan với sự trưởng thành, thi đại học vẫn là thử thách lớn nhất.

Mình vẫn nhớ suốt năm lớp 11, 12. Suy nghĩ cuối cùng trước khi đi ngủ đều về thi đại học: "Bách khoa chắc lấy 21 là cùng (sau này lấy 21,5), mỗi môn 7 điểm là trong tầm tay", "khoảng 30 nghìn bạn thi, mình chỉ cần trên 27 nghìn đồng chí là được", "Đỗ đại học sẽ là ngày hạnh phúc nhất đời mình". Áp lực ghê gớm, con GS BK mà trượt BK thì... thôi chả dám nghĩ đến. Cuối cùng mình cũng vượt qua và đúng là hạnh phúc ghê gớm. Bảng điểm dán mấy chỗ đều đi xem hết, cho chắc ăn.

Giờ nghĩ lại, mình đã thực hiện nhiều cái đúng mà hồi đấy chưa ý thức được một cách rõ ràng. Hy vọng kinh nghiệm của mình sẽ giúp được ai đó.

"Học tài thi phận" có phần đúng. Nếu khả năng của anh ở ngay ngưỡng đỗ, may một tí thì anh đỗ, mà không may một tí thì anh trượt. Với mình, dưới áp lực lớn, bài thi mình làm không được tốt như ôn luyện ở nhà. Về nhà nghĩ lại, sao mình lại... ngu đột xuất như thế. Nhưng "may", mình đặt mục tiêu 25, 26 điểm khi ôn luyện, đi thi tụt mấy điểm vẫn đỗ.

Phải định lượng được khả năng của mình. Không thể định tính, mơ hồ chung chung giỏi dốt. Định lượng được để mà còn liệu cơm gắp mắm, chọn trường cho đúng. Mình để dành một số đề Toán Lý Hoá không động đến, cuối hàng tháng, lôi ra làm như đi thi, trình bày vào giấy thi. Sau đó tự chấm hoặc nhờ thầy cô chấm, nhận xét cả cách trình bày. Mình làm từ giữa năm lớp 11, để đo lường thực lực mà còn điều chỉnh kế hoạch ôn luyện cho phù hợp. Nhiều lúc tổng điểm chỉ cỡ 15, 16, cũng hốt hoảng.

Lập kế hoạch cho đến cuối đường. Nội dung ôn luyện biết, dự kiến ôn ba vòng, mình chia nhỏ, lập kế cho từng tuần, từng ngày. Làm thế rất có lợi về tâm lý. Người ôn thi bao giờ cũng có tâm lý không biết học bao nhiêu cho đủ nên lúc nào cũng lo lắng. Có kế hoạch theo ngày rồi, làm xong kế hoạch, thì nghỉ, đi chơi. Tâm lý rất thoải mái. Nếu bận thì mình biết mình chậm bao nhiêu để ôn bù trước hoặc bù sau. (Sau này đọc sách mới biết cái này thiên hạ gọi là "Doing with the end in mind")

Hoãn cái sự sung sướng lại. Mình vẫn nhớ lời thầy Bùi Long Biên: "Các em hoãn chơi 1 thì sau này các em sẽ được chơi 100". Hồi xưa TV (chưa có Youtube như bây giờ) có bộ phim Thái Bình Thiên Quốc chiếu sau thời sự 7 giờ. Mình thèm xem lắm, nhưng cứ xem xong hết giới thiệu đầu phim là lại đi học, chong đèn đến 12h đêm. Cuối tuần mới nghỉ xem phim.

Biết thư giãn. Mặc dù nghe thầy Biên nói vậy, mình cũng không hoãn hết việc chơi. Chơi để giảm căng thẳng, để tạm quên áp lực. Mình đánh điện tử đều với mấy đứa bạn thân, Starcraft, Half Life, Fifa 99, thuộc hạng có máu mặt ở khu BK thời trước năm 2000, nhiều lúc cũng tự thấy là chơi nhiều quá. Cũng may mình được cho chơi điện tử từ bé nên đã có miễn dịch tập nhiễm (bố mua cho hẳn đầu 4 nút thời cấp 1, một quyết định rất chiến lược, cho con tiêm vaccine điện tử). Chơi mà không quá đắm đuối, vẫn không quên học. Giữa hai đợt thi (thời mình thi theo trường, có 2 đợt), chẳng ôn luyện gì, ôn lúc đấy cũng không giải quyết được gì, ngồi đợi không thì lại áp lực, mình với cậu bạn cắm mặt chơi Fifa 99. Sau cả hai thằng đều đỗ.

Tốn tâm sức là thế, giờ bằng đại học quẳng ở đâu cũng không nhớ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét