Ở góc độ cá nhân, cuộc đời đã đi vào cái ngõ này rồi thì trên đường gặp ai cũng là TS. Có lần đi chuyển nhà giúp cho ông anh, hai vợ chồng chủ nhà đều là TS, 5 ông cửu vạn thì 4 ông TS, 1 ông sắp TS. Chỉ có cháu bé con chủ nhà mới biết đi chưa kịp làm.
Bố mình là GS TSKH, khách đến chơi nhà từ bé cũng toàn tiến với lùi. Khu Bách Khoa ngày xưa, nghe tiếng kẻng thì toàn TS quần đùi may ô xách xô đi đổ rác. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Bố mình giờ chỉ cần được giới thiệu là nhà thơ, còn GS TSKH chỉ là phương tiện để nuôi ông nhà thơ và vợ con ông. Cũng may còn kiêm thêm GS TSKH không có thì vợ con ông cũng rách như gia quyến ông Tản Đà.
Sau này lấy vợ mới phát hiện bố vợ cũng lại là TS còn cho còn phá (CCCP) như bố đẻ. Mình hay đùa với con gái là con được đúc ra từ ông nội TSKH, ông ngoại TS, bố TS, những đối tượng còn lại thì chê TS làm mất thời gian. Nó bảo sau này con cũng làm TS. Bố thì chỉ mong con thích những việc mình làm. Xung quanh mình nồng độ TS hơi cao. Cái chuyện "đầu đường đại tá bơm xe, giữa đường trung tá bán chè đỗ đen" với mình chuyển thành "trên nhà TS ru con, dưới nhà rửa bát lại là GS".
Gia cảnh như vậy nên mình có là TS thì cũng rất thường. Mình có anh bạn bố nghiện rượu, nhà vách đất nghèo nhất tỉnh Phú Thọ mà thành TS, mà là loại TS khủng có tiếng trong ngành, dậy trường top10 thế giới. Cũng chả đâu xa, bố mình mẹ mất sớm, lớp 9 mới nhìn thấy bóng điện, sáng đập đất đèn, tối còn bay bổng với đại số mới. Những người như vậy ý chí họ lớn lắm. So với họ thì mình mới đi dăm bước chân đã thành TS. Mà là TS nửa mùa, nửa còn làm nghề, nửa chuyên đi bốc phét. Thế nên thường không nhớ mình là TS. Giám đốc công ty thỉnh thoảng lại chào đểu là đốc tờ Tran đi đâu đấy (ông này cũng là TS vật lý, dạy ở CalTech rồi nhưng bỏ về mở công ty), mình đùa lại là ông nhắc tôi mới nhớ.
Ông GS hướng dẫn TS mình là người rất nổi tiếng trong giới, fellow này nọ những không phải là TS, ấy thế mà đẻ ra toàn TS. Có người giỏi họ chả cần danh TS kể cả theo con đường khoa bảng. Ở rất nhiều nước không có giấy trắng mực đen nào đòi GS phải là TS.
Góc độ cá nhân là vậy còn ở góc độ chung thì TS trên thế giới bây giờ quá nhiều không như hồi xưa. Mà mình mới đang tính đến loại TS làm thật chứ chưa tính loại TS tại chức. TS đào tạo ra không theo nhu cầu mà là theo năng lực sản xuất. Cái gì cũng có căn nguyên của nó. Để làm các dự án nghiên cứu khoa học ở trong các trường đại học thì cần phải thuê người. Giờ thuê loại nào là rẻ nhất và tốt nhất? Thuê ngay ông thạc sỹ, trả bằng lương kỹ sư mới ra trường hoặc thậm chí thấp hơn. Ông này làm việc rất hăng vì ông có chút đam mê với cả phải đủ thành tích thì mới có bằng. Cũng chẳng sợ ông bỏ đi đâu khi chưa bảo vệ. Thuê kỹ sư làm như ngoài công ty thì tiền đâu mà trả bằng công ty được hay thuê mấy ông postdoc (TS rồi nhưng chưa tìm được việc lâu dài) thì các ông nhấp nhổm có chỗ nào ngon là té.
Thế nên TS trong một chừng mực nào đó là sản phẩm phụ của việc thực hiện dự án trong trường đại học và viện nghiên cứu. Mà dự án bây giờ nhiều. Cung vì vậy đôi lúc vượt quá cầu. Tất nhiên quá trình làm dự án cũng là một quá trình đào tạo rất thực chất, phải sáng tạo ra cái mới, đào luyện con người có tư duy độc lập. Nếu sau không theo đuổi nghiên cứu nữa thì trình độ tư duy cũng được phát huy ở những lĩnh vực khác.
Với mình thành TS cũng chỉ là một cột mốc trên con đường mình theo đuổi những cái khác. Chưa bao giờ nó là mục đích phải nhăm nhăm đạt được, nên mình thấy cũng không có gì to tát và chắc nhiều người cũng thế. Như lời bố mình vẫn bảo: "TS thì mới chỉ là bắt đầu thôi".
Làm thí nghiệm đâu khoảng năm 2010
Bàn làm việc những ngày trước khi bảo vệ đầu 2013
Hay quá anh ạ!
Trả lờiXóa