Thể loại

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Lại Bàn Về Trường Chuyên Lớp Chọn

Mấy ngày gần đây lại rộ lên thảo luận về trường chuyên lớp chọn, rất sôi nổi. Câu chuyện về chuyên chọn cứ vài năm lại rộ lên từ hàng chục năm nay rồi mà cuối cùng thì không bỏ được mà tình hình có vẻ xấu đi. 

Tỉnh thành nào cũng có trường chuyên và nhiều học sinh ở đó là con em quan chức tỉnh nhà. Có vẻ đó là hướng đi theo lẽ tự nhiên khi bố mẹ nào cũng muốn con mình có điều kiện học tập tốt nhất. Không cần thành lập thì cũng có "hội phụ huynh quan chức", giúp đỡ con mình và hỗ trợ nhau. "Con tớ và mấy đồng chí nữa sắp vào cấp 3, ta phải có dự án đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất cho trường chuyên tỉnh nhà. Làm sớm đi, sắp tới còn con cậu nữa." Chả thế mà trường chuyên các nơi được nhiệt tình đầu tư với mác đào tạo nhân tài, càng dẹp lại càng thấy phát triển mạnh. Rồi các hoàng tử công chúa con lại quay vòng để trở thành các quan chức sau này. Rất tác hại. Đây là một hình thức tham nhũng tinh vi. Nhìn thử các học sinh được nâng điểm trong hai vụ Sơn La, Hoà Bình nhiều em từ những trường như thế ra cả.

Vậy có khi nên dẹp hết trường chuyên đi? Chả dẹp được nếu không phá vỡ cái logic đằng sau nó. Không chuyên thì cũng sẽ nẩy ra các hình thức khác để các quan chức lấy nguồn lực nhà nước đầu tư cho con em mình. Thế thì phải tìm cách phá vỡ cái logic đầu tư công bẩn đó để trường chuyên trở lại với mục đích tốt đẹp vốn có của mình. Một mặt phải coi đây là hình thức tham nhũng để Đảng ra tay, ông nào chạy chọt cho con mà bị phát hiện thì kể cả "không liên quan" thì cũng cứ áp kỷ luật Đảng. Pháp luật chính quyền còn cần bằng chứng này nọ khó hơn. Phải có cơ chế tuyển chọn chặt chẽ và công khai để học sinh vào học là do năng lực chứ không phải do quan hệ và kinh tế của bố mẹ. Cái này phải có cơ chế thống nhất từ bộ áp xuống chứ để các ông địa phương làm thì lại vừa đá bóng vừa thổi còi. Có thế hệ thống trường chuyên mới dần trở về với mục đích vốn có.

Dù có trở về được với mục đích vốn có. Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự không công bằng nên dẹp quách nó đi. Giáo dục ta chỉ giỏi nuôi gà chọi. Gà chọi cũng quan trọng lắm chứ. Mỗi con người đều có những năng lực khác nhau. Cùng một mức học thì có người thấy quá khó cũng chán học, có người thấy quá dễ cũng chán học. Thế nên cần phải phân loại ra thì mới tạo ra môi trường cho học sinh phát huy được hết tiềm năng của mình. Việc phân loại theo học lực thì rõ ràng không nên bắt đầu ở cấp học dưới mà chỉ nên bắt đầu ở cấp 3 hoặc cùng lắm là cấp 2. Phân loại không có nghĩa là tập trung đầu tư cho một phía mà đầu tư cho mỗi nhóm theo những cách khác nhau. Công bằng không có nghĩa là cào bằng mà là tạo cơ hội tuỳ theo sở thích, năng lực, và quyết tâm của người học không phân biệt giàu nghèo hay nguồn gốc.

Mỗi một nước có những chính sách giáo dục khác nhau phù hợp với xã hội và điều kiện kinh tế. Mình giờ có thêm trải nghiệm với hệ thống giáo dục của Hà Lan vì hai đứa con nhà mình học ở đây. Nó cho mình một góc nhìn khác về giáo dục. Ở Hà Lan, mục tiêu đầu tiên cho trẻ con bắt đầu đi học là cho trẻ thích đến trường. Trẻ con bắt đầu đi học cấp một ngay sau sinh nhật 4 tuổi. Hai năm đầu học bằng cách chơi, không "nghiêm túc" tí nào. Trường cấp 1 nhỏ nhưng bố trí dày đặc quanh khu dân cư, ở thành phố thì trong bán kính 2 km thì chí ít phải tìm thấy một trường. 2 km quanh nhà mình có đến 4 trường tiểu học. Thế nên trẻ con các lớp lớn đều có thể tự đi học. Học cùng trường là vì nhà quanh đấy. Các trường đều không phải là trường nhà nước mà thường là của các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà nước "đóng học phí" hộ bố mẹ cho các trường. Nên trường nhận kinh phí tỉ lệ theo đầu học sinh. Trường sẽ nhận được thêm một khoản cho các học sinh đến từ các gia đình mà bố mẹ bằng cấp thấp hay có những khó khăn trong việc học. Lý do là những học sinh này cần nhiều sự quan tâm dạy dỗ ở trường hơn. Trường cũng lo luôn sách vở bút giấy. Nhà giàu hay nghèo thì không thể hiện được gì ở trường. Mục tiêu là tạo cơ hội công bằng trong giáo dục cho trẻ em.

Cấp 1 thì không có lớp chọn nhưng các bạn học nhỉnh hơn thì sẽ được làm thêm sách nâng cao và hàng tuần được tách ra một buổi để học thêm những cái khác. Những bạn nào kém hơn một chút cũng được quan tâm phù đạo thêm. Mục đích là để các cháu thích đến trường, để từ đó thích học. Dậy kiến thức thì không nặng học nhiều lý thuyết cao siêu mà nặng kỹ năng và thực hành. Ví dụ, học toán thì cài vào học cách tiêu tiền. Học và thực hành luật giao thông ở ngoài đường. Trong việc dạy cụ thể thì các trường cũng khác nhau. Có nhiều triết lý giáo dục, các trường đều nói rõ họ theo triết lý giáo dục nào. Triết lý tự do nhất thì trẻ con đến trường được tự quyết định nhiều thứ, cả việc hôm nay học gì, cô giáo có nhiệm vụ chạy theo hướng dẫn thêm. Triết lý tự do không được nhiều phụ huynh chọn, mình đến thăm một trường như vậy trong quá trình chọn trường cho con, nhìn thấy trẻ con rất năng động, tự tổ chức lớp học, nhưng nó xa với cái căn Việt nam của mình quá nên không dám chọn. Các trường được chủ động cách dậy nhưng mỗi năm học sinh làm hai lần bài thi chuẩn quốc gia và kết quả được vẽ lên đồ thị. Đồ thị của con mình không đứng một mình là được đặt cạnh các đường tiêu chuẩn theo thông kê kết quả toàn quốc. Mình sẽ biết con mình nằm trong phân khúc nào trong cái thông kê này. Mỗi năm học sẽ cho 2 điểm trên đồ thị và mỗi môn là một đồ thị. 

Thầy cô cũng không chịu áp lực từ phụ huynh và nhà trường nên điểm thi tương đối trung thực. Mà thấp quá hay cao quá bất thường là có thanh tra đến ngay. Nếu thấp quá mà thanh tra xong có khi trường sẽ được đầu tư thêm. Việc ở lại lớp ở đây là bình thường. Có lần cô muốn con mình vào nhóm học nâng cao, cô phải viết thư hỏi xem phụ huynh có muốn cho con mình học nâng cao không, vì sẽ ít thời gian chơi hơn. Mình sống ở đây bao năm mà vẫn bất ngờ, tư tưởng của mình vẫn là đánh xuống thì mới phải bàn, còn đánh lên ai chả nhận. Thế mà ở đây có nhiều phụ huynh không muốn nhận. Quan điểm phụ huynh và xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống giáo dục. 

Ở đây không có họp phụ huynh đại trà mà chỉ họp riêng từng nhà, con nhà nào biết nhà nấy. Cứ nhớ hồi xưa bố mình đi họp phụ huynh về là rất sợ vì thường mình bị nhắc nhở nhiều. Giờ mình mới nhận ra đấy là hình thức "đấu tố" với cả phụ huynh và học sinh. Đồng nghiệp bạn bè cũng không bao giờ lôi chuyện con mình ra khoe hay hỏi về con người khác. Mọi người đều ý thức được rằng trẻ con có năng lực khác nhau và tốc độ phát triển khác nhau. 

Tuỳ năng lực học sinh (dựa vào điểm số các năm và đánh giá của thầy cô), học sinh sẽ được phân luồng ngay sau khi học xong cấp 1 (cấp 1 có 8 lớp). Có ba luồng chính là từ luồng học nghề, luồng đại học thực hành, và luồng đại học hàn lâm. Những bạn đi học nghề có khi 17 tuổi đã có thể đi làm, không phải phí thêm mấy năm học vô bổ. Học sinh sẽ phải vào 1 trong 3 luồng này theo kết quả học tập. Trong mỗi luồng sẽ có các nhánh nhỏ thì học sinh sẽ chọn tuỳ theo sở thích của mình. Việc phân luồng từ 12 tuổi cũng nhận được nhiều chỉ trích, chẳng hạn như có trẻ bộc lộ khả năng muộn, để giải quyết việc này thì việc chuyển luồng lên xuống có thể xảy ra tuỳ theo kết quả học tập ở các năm tiếp theo. Nhưng theo thống kê thì không nhiều.

Hệ thống giáo dục như vậy nhưng vẫn có nhiều phàn nàn chỉ trích. Một trong những chỉ trích thường được nói đến là học sinh kém chịu áp lực, sau này ra đời dễ bị stress. Phương Tây có một bệnh hay gặp trong lực lượng lao động gọi là burnout (bệnh tâm lý mất hết năng lượng và động lực làm việc). Mình vẫn hay nói đùa với đồng nghiệp tao hơi bị khó burnout vì có burnout thì tao đã bị từ khi thi đại học 1 chọi 10 ở Việt nam rồi. Việt nam chắc cũng có burnout ở học sinh và người lao động nhưng xã hội chưa để ý. Nhìn chung thì mình thấy mọi người ở đây đều thoải mái với con đường mình chọn vì họ hiểu năng lực của mình và họ thích những việc họ làm.

Việt Nam có một hệ thống giáo dục tốt so với trình độ phát triển, mình mài đũng quần 12 năm phổ thông và 5 năm ĐH ở Việt nam. Ra thế giới thì mình thấy mình cũng không kém gì. Những năm sau này thì mình thấy nhiều cái còn tốt hơn hồi mình học nhưng cũng có nhiều cái xấu đi. Mình sợ nhất khẩu hiệu "xã hội hoá giáo dục". Tinh thần thì đúng nhưng thực hiện thì theo kiểu nhà nước buông nhân dân mạnh ai nấy lo. Trẻ con nhà có tiền giờ tập trung vào một số trường. Học sinh cấp một học cùng nhau là do điều kiện kinh tế của bố mẹ như nhau. Cái này có nhiều cái xấu hơn là tốt. Trẻ con sẽ có cái nhìn hẹp hơn. Đi lên XHCN mà xã hội ngày càng phần lớp phân tầng trong giáo dục và y tế. Thế hình như là đi xuống.

Nhà nước nên tạo điều kiện cho xã hội tham gia nhưng khuyến khích các tổ chức phi lợi nhuận, tạo điều kiện về đất đai, mục tiêu cuối cùng là phải tạo cơ hội công bằng trong giáo dục cho trẻ em bất kể giàu nghèo, xuất thân, vùng miền. Chương trình thì tuỳ trường nhưng đánh giá thì thống nhất. Nhận thức của xã hội cũng sẽ tự dần thay đổi khi thấy rằng thành tích ảo thì sẽ lĩnh hậu quả nặng nề. Những học sinh điểm số giỏi mà ra đời vẫn dựa dẫm bố mẹ, xin việc cũng phải cậy nhờ, bằng cấp đầy mình nhưng  chẳng ai nhận, khổ mình, khổ bố mẹ, và khổ cả xã hội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét