Thể loại

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Về hay ở: Chuyện muôn thủa

Hôm nay Eindhoven mưa bụi, thời tiết se lạnh, chợt trong người ậc lên nỗi nhớ tiết xuân Hà nội. Trái tim lại bảo về, nhưng cái đầu bảo ở. Chuyện đánh đấm giữa trái tim và cái đầu chả bao giờ nguôi, mặc cho sự thật: nhà cửa, vợ con, công việc đều ở đây.

Chuyện về hay ở đầy trong tâm trí nhưng tôi chưa bao giờ viết về nó, bởi đơn giản, đó là sự cân nhắc của mỗi người dựa vào rất nhiều yếu tố cụ thể. Làm gì có thước đo chung để nói đúng sai. Nhưng gần đây chuyện về ở lại ồn ào. Nhiều luồng ý kiến dù trái ngược nhau tôi thấy đều có phần đúng, như thầy bói xem voi, nó đúng ở từng trường hợp, từng hoàn cảnh. Cũng có nhiều đánh giá cảm tính như ở là không yêu nước, về là yêu nước. Tôi từng học hết đại học ở Việt nam, làm việc ở trong nước, rồi đi, rồi về làm việc, rồi lại đi, nên những đi hay ở đối với tôi không phải là giả thiết, mà thực tế đã trải nghiệm.

Sống và làm việc ở Việt nam hay ở một nước nào đó đều có được và mất. Quyết định về hay ở thường dựa trên những yếu tố cơ bản sau: Gia đình lớn ở Việt nam, gia đình nhỏ (nếu có), công việc, sở thích, ràng buộc (nếu có) và mong muốn đóng góp cho quê hương. Từng yếu tố này với mỗi người lại nặng nhẹ khác nhau, rất vô cùng. Tuy nhiên, cứ giả thiết rằng các yếu tố (trừ yếu tố cuối cùng) bù trừ cho nhau dẫn đến yếu tố "đóng góp" trở thành yếu tố quyết định. Vậy là xách va ly về chăng. Thật không đơn giản như vậy.

Trong câu chuyện với những người bạn Việt nam mà tôi quen khắp các nước, tôi đều thấy trái tim các bạn hướng về tổ quốc, mong tổ quốc ngày càng cường thịnh. Cái ấn tượng này mạnh đến nỗi một bạn người nước ngoài đã nói với tôi: "Người Việt nam bọn mày lạ thật đấy, bọn tao chả bao giờ đau đáu như thế". Mong muốn đóng góp là một thôi thúc. Về Việt nam làm việc cũng là một cố gắng để đóng góp nếu có công việc phù hợp. Ở thì cũng có nhiều cách đóng góp. Theo thống kê chính thức mới nhất thì trong 11 tháng đầu năm 2015, lượng kiều hối về riêng TP HCM đạt 4.76 tỉ USD. Con số đáng kể so với quy mô nền kinh tế nước nhà.

Thời đại thông tin, khoảng cách chỉ là một cái nhấp chuột, thì có vô vàn cách đóng góp như giúp đưa kiến thức, công nghệ, v.v. về nhà. Thế nên một môi trường cụ thể nào dù trong hay ngoài nước mà mình cảm thấy mình phát huy được hết khả năng thì nên chọn. Khi mình đã phát triển được thì cách này hay cách khác, sẽ có thể đóng góp gì đó cho đất nước.

Nhìn từ góc độ người làm chính sách, việc cần người làm được việc là bức thiết. Vì vậy cần phải có chính sách thu hút người có khả năng (tôi không dùng từ người tài vì tài là mức độ cao hơn). Người có khả năng thì có cả trong và ngoài nước, cả người Việt, lẫn người nước ngoài. Cần phải xác định các lĩnh vực chiến lược, mình cần người có khả năng gì, chứ không thể chung chung. Chất xám chỉ có tính tương đối, đặt nhầm chỗ thì vừa phí, vừa hại. Cần có các cơ chế mang tính chất tạo điều kiện, hơn là ràng buộc, lôi kéo. Các cụ nói "đất lành chim đậu". Ta không nên bắt chim đậu bằng cách gửi chim đi và bắt chim về như hiện nay, vừa tốn tiền vừa không hiệu quả. Hay như kêu gọi lòng yêu nước chung chung. Hay tạo ra những mảnh đất lành, chim mọi nơi sẽ tự khắc tìm về.

Nhìn từ góc độ công chúng, dân ta 90 triệu, có đi mất 10, 20 triệu, thì ở nhà may mới hết... tắc đường. Nếu nền giáo dục tốt thì chắc chắn có thể cũng cấp đủ nhân lực cho nền kinh tế trong nước. Hiện nay gần 178 nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Do vậy vấn đề ko phải là ko đủ người, mà vấn đề nằm ở đào tạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét